LONG AN – Mô hình trồng cây sạch, nuôi tôm công nghệ cao được mở rộng giúp nông dân thu về lợi nhuận bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường.

Huyện Châu Thành là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn trên địa bàn tỉnh Long An với 1.400 ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn mỗi năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Năm 2022, tỉnh Long An có kế hoạch thí điểm mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện này tại ba xã Thanh Phú Long, Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông, với tổng diện tích kỳ vọng là 250 ha.

Theo đó, nông dân bắt buộc mua con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ và được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện mô hình thí điểm. Con tôm thành phẩm sẽ dễ dàng xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế.

Ao nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Ảnh: Báo Long An

Khi nghe mô hình này, anh Minh (xã Thuận Mỹ) đăng ký tham gia. Anh cho biết nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi gia đình phải đầu tư vốn lớn và thay đổi toàn bộ tập quán chăn nuôi trong gần 10 năm qua. Để có giá cả ổn định và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, anh vẫn chấp nhận thử nghiệm.

Ao nuôi tôm được trải bạt trên toàn bộ diện tích, đầu tư hệ thống sục oxy đáy, hệ thống hút chất thải để làm sạch nước,… Nhà có 5.000m2 ao, theo yêu cầu của nuôi tôm công nghệ cao, anh dành ra 3.000m2 làm ao lắng, diện tích còn lại dùng làm ao nuôi. “Nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi đầu tư vốn lớn. Mật độ tôm nuôi cao, thường gấp 3 lần số lượng tôm nuôi theo cách truyền thống. Nước được lắng lọc cẩn thận và nuôi tôm theo từng giai đoạn phát triển của tôm”, anh Minh chia sẻ.

Cũng tại huyện Châu Thành, nhiều nhà nông cũng bắt đầu quan tâm hơn đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều hộ trồng rau đã áp dụng phương pháp thủy canh để cho ra sản phẩm với năng suất, giá trị cao. Các loại rau màu thường áp dụng phương pháp này như cải ngọt, xà lách, dưa leo, cà chua.

Theo các nông dân, hệ thống thủy canh mang tính linh hoạt với nhiều ưu điểm như có thể tùy chỉnh dinh dưỡng cho cây hợp lý; tiết kiệm nước do cây sử dụng trực tiếp nước có trong máng đựng dung dịch dinh dưỡng, nước không bị thất thoát ra ngoài. Ngoài ra, mô hình này còn giảm được chi phí nhân công, do không cần đến khâu làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới nước, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Nhờ trồng trong mô hình khép kín, quy trình được kiểm soát nên các sản phẩm rau thủy canh đạt năng suất, chất lượng và an toàn so với phương pháp trồng thông thường. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu qua các kênh bán lẻ, được thị trường đón nhận, tạo ra nguồn thu nhập ổn định hơn cho nhà nông.

Hội Nông dân xã An Lục Long, huyện Châu Thành cho biết thời gian tới sẽ mở lớp tập huấn kỹ thuật về trồng rau thủy canh, tạo điều kiện cho hội viên tham quan thực tế mô hình để nắm rõ về kỹ thuật cũng như quy trình trồng rau này.

Tỉnh Long An cũng đang đẩy mạnh khuyến khích nông dân ở các địa phương thường xuyên chịu hạn, mặn như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa,… chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang những loại rau màu ngắn ngày, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng nông nghiệp xanh.

Mô hình trồng rau trong nhà màng, áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An.
0/5 (0 Reviews)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

en_USEnglish